Trên lý thuyết thì La Liga là giải bóng đá có sức hút lớn thứ 2 tại Châu Âu, sau Premier League. Thế nhưng thực tế bao nhiêu năm qua lại cho thấy La Liga không hấp dẫn như những gì một số người vẫn tưởng tượng…
Cách đây 1 năm, khi Atletico Madrid chưa vô địch thì La Liga chỉ được xem như cuộc chiến riêng của Barcelona và Real Madrid. Thậm chí nếu ai đó có được một trí nhớ tốt thì họ cũng biết rằng lần cuối cùng mà một đội bóng không phải Barca lẫn Real giành chức vô địch đã cách đó tròn 10 năm vào mùa giải 2003/2004. Valencia là đội bóng có được may mắn đó. Câu hỏi được đặt ra nhiều lần trong quá khứ rằng liệu một giải đấu có nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới như Messi, Ronaldo, Neymar, Bale…lại chỉ là sân chơi thu nhỏ của 2 đội bóng hay sao?
Thậm chí với rất nhiều người việc đoàn quân của Diego Simeone giành chức vô địch cũng chỉ mang đến một vài tín hiệu tích cực hơn chứ chẳng thể cứu vãn được một giải đấu mà khoảng cách giữa các đội bóng đã và đang chênh lệch quá nhiều. Real và Barca có thể hủy diệt những đội bóng chiếu dưới như Deportivo, Elche, Levante, Granada…đến 5,7 bàn thì liệu sự cạnh tranh khốc liệt và tính hấp dẫn của giải đấu đến từ đâu?
Rõ ràng là Barca và Real quá mạnh so với đa phần còn lại, sự chênh lệch về đẳng cấp đến trong từng trận đấu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính ban tổ chức La Liga đang góp phần “giết” giải đấu bằng cách của riêng họ.
![]() |
Nhiều năm qua La Liga chỉ được xem là sân chơi của riêng Real và Barca. Ảnh: Internet. |
1. Phải chia lại bản quyền truyền hình.
Tại Premier League, nơi có thu nhập từ bản quyền truyền hình lớn nhất Châu Âu, thế nhưng lại luôn cả ra rất công bằng trong việc phân chia giữa các đội bóng với nhau. Cụ thể trong mùa giải trước đội đương kim vô địch Man City nhận 115,89 triệu euro tiền bản quyền truyền hình, trong khi đó Chelsea nhận 112,93 triệu euro, Arsenal nhận 111,44 triệu euro, Man United nhận 106,99 triệu euro. Ngay cả một đội bóng tầm trung như Everton cũng thu về khoản tiền 102,03 triệu euro. Đó là lý do tại sao đội bóng thành phố cảng có thể mua một cầu thủ trị giá 28 triệu bảng như Lukaku. Rõ ràng điều chúng ta nhìn được ở Premier League đó là sự công bằng.
Nhưng ở La Liga thì sao? Trong khoản thu nhập 775 triệu euro từ bản quyền truyền hình mùa trước thì 2 “ông kẹ” Barca và Real đã “nuốt” đến 280 triệu euro (mỗi đội 140 triệu euro), bằng 36% so với tổng giá trị. Như vậy 18 đội còn lại chỉ còn được chia “miếng bánh nhỏ” trị giá 64% còn lại. Và nếu tính trung bình ra thì mỗi đội chỉ nhận được khoảng 28 triệu euro tiền bản quyền truyền hình. Thực tế cho thấy đương kim vô địch Atletico Madrid cũng chỉ nhận 42 triệu euro. Quả thực đó là một sự bất công!
Đã đến lúc cần một sự thay đổi toàn diện để cứu vãn tương lai của phần còn lại ở La Liga. Thế nhưng hi vọng đó đã tồn tại 4-5 năm nay nhưng chưa bao giờ trở thành sự thật. Trong tương lai gần nếu tình hình không thể thay đổi thì có lẽ La Liga sẽ “chết”.
2. Cần nâng cao tính cạnh tranh
Ở La Liga có một quy định bất thành văn đó là việc giữa Barca và Real không bao giờ bán cầu thủ cho nhau, nếu có thì cũng chỉ là hi hữu và cũng đã xảy ra từ rất lâu. Sự thù hận giữa 2 thế lực này luôn khiến người hâm mộ bóng đá càng cảm nhận được tính cạnh tranh và hấp dẫn từ những cuộc chiến El Clasico. Thế nhưng phần nào lại thì sao?
![]() |
Chi 20 triệu euro, Barca dễ dàng sở hữu Rakitic, ngôi sao bậc nhất của đương kim vô địch Europa League – Sevilla. Ảnh: Internet. |
Đa phần các CLB ở La Liga trong 10 năm trở lại đây chẳng khác nào sân sau của Barca và Real. Trong một ngày đẹp trời, nếu đại diện chuyển nhượng của Barca và Real đánh điện và nói rằng: “Chúng tôi muốn có cầu thủ X, anh ta đá rất hay và chúng tôi sẵn sàng đáp ứng mức phí lên đến 25, 30 triệu euro”. Chắc chắn không sớm thì muộn họ cũng đạt được điều mình muốn. Đó cũng là lý do tại sao Sevilla mất Sergio Ramos vào tay Real, mất Daniel Alves, Seydou Keita, Adriano, Ivan Rakitic vào tay Barca.
Điều tương tự cũng xảy ra với Raul Albiol, David Villa, Isco, Illarramendi, …Thay vì bán cầu thủ của mình ra nước ngoài, họ chọn cách để làm tăng lợi nhuận bằng việc để những ngôi sao đó đến Real hoặc Barca, nơi sẵn sàng đáp ứng mức phí chuyển nhượng hấp dẫn nhất. Chính điều ấy đã khiến cho chất lượng giải đấu ngày càng giảm sút khi một bên luôn được bổ sung chất lượng, còn một bên thì càng sa sút.
Có lẽ các đội bóng ở Tây Ban Nha nên học theo những đội bóng Anh. Tại Premier League, nhóm cạnh tranh danh hiệu rất hiếm khi bán cầu thủ qua lại cho nhau, giữa họ luôn tồn tại một rào cản vô hình. Như thể Liverpool không bao giờ bán cầu thủ cho Everton và Man Utd; Chelsea, Arsenal và Tottenham hiếm khi trao đổi người; Man City sẵn sàng đẩy những cầu thủ không còn quan trọng trong đội hình ra nước ngoài chứ không muốn tiếp tay cho đối thủ. Nghe chừng có vẻ ích kỷ nhưng chính sự ích kỷ ấy đã là bản sắc riêng tại Premier League và nó giúp cho giải đấu xứ sở xương mù luôn giữ được tính cạnh tranh của mình.